Tin tức

Tản mạn về Tết âm lịch

Tản mạn về Tết âm lịch

23/01/2025

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước phương Tây, năm mới được đón chào từ ngày 1 tháng 1 theo lịch Dương. Không khí lễ hội đã lan tỏa khắp nơi từ những ngày 24-25 tháng 12 với lễ Giáng sinh. Nhưng tại Việt Nam và một số quốc gia khác như Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nepal, Bhutan, và cả cộng đồng người H’Mông ở Trung Quốc, Tết Âm lịch mới là ngày lễ quan trọng, chính thức được nghỉ lễ. Trước đây, Nhật Bản cũng từng tổ chức Tết Âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ 6 (1873), họ đã chuyển sang dùng Dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong năm.

Tết Nguyên đán ở Việt Nam là khoảng thời gian chuẩn bị đón chào năm mới, thường được gọi với nhiều tên như Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền, nhưng phổ biến nhất vẫn là Tết Nguyên đán. “Nguyên” có nghĩa là sơ khai, khởi đầu, còn “Đán” là buổi sáng sớm. Nếu buổi sớm là khởi đầu cho một ngày mới thì Tết Nguyên đán chính là khởi đầu cho một năm mới. Đón Tết là truyền thống của nhiều dân tộc có ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Từ “Tết” được đọc chệch đi từ “Tiết”, mang nghĩa là Tiết Xuân hay Xuân Tiết, Tân Niên hoặc Nông lịch tân niên. Ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng, Tết Âm lịch được tính theo chu kỳ vận hành của Mặt Trăng nên thường diễn ra sớm hơn Tết Dương lịch (còn gọi là Tết Tây), rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 dương lịch và kéo dài từ 4-6 ngày.

Trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, quan trọng nhất là dịp để tưởng nhớ nguồn cội, ông bà tổ tiên. Đây cũng là thời điểm khởi đầu cho nhiều điều tốt lành, xóa bỏ những điều xấu xa của năm cũ. Người Việt đón Tết với bao ước mơ và hy vọng về một năm mới đầy may mắn và thành công.

Mặc dù ông bà ta có câu “30 chưa phải là Tết”, nhưng thực ra, không khí Tết đã bắt đầu từ ngày 27, 28 tháng Chạp. Mọi người quan niệm rằng, Tết là khởi đầu tốt đẹp nhất, may mắn nhất để những điều lành sẽ theo suốt cả năm. Vì vậy, càng gần đến Tết, mọi người càng hối hả chuẩn bị. Trước đây, người dân Việt thường quét vôi, sơn lại nhà cửa từ mươi ngày trước Tết. Ngày nay, phong tục quét vôi, sơn nhà có thể đã phai nhạt, nhưng việc dọn dẹp và trang trí nhà cửa vẫn rất được quan tâm. Người ta đi mua các vật dụng và đồ dùng cần thiết để trang trí nhà cửa cho thêm phần tươi mới.

Tết diễn ra từ những ngày trước Tết đến tận mùng 5-6 tháng Giêng. Trước đây, người ta quan niệm “ăn Tết” – thời gian được ăn uống đầy đủ, gia đình sum vầy đầm ấm, kéo dài đến hết mùng 8-9. Nhưng ngày nay, do đời sống kinh tế phát triển, Tết thường kéo dài đến mùng 5 và từ “ăn Tết” đã chuyển sang “chơi Tết” vì đời sống đã sung túc hơn. Tết Nguyên đán chia làm ba giai đoạn. Đầu tiên là thời gian giáp Tết, bắt đầu sau ngày 23 tháng Chạp (ngày ông Công ông Táo). Gần đến Tết Nguyên đán, các đơn vị làm việc và học sinh được nghỉ từ ngày 27-28 âm lịch. Ngày 30, còn gọi là Tất Niên, là thời điểm mọi người tảo mộ ông bà và các thành viên gia đình đã khuất. Vào tối 30, mọi người chuẩn bị đón giao thừa – thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khởi đầu cho một năm mới.

———————-

Tết Âm lịch hay còn được biết đến Tết Nguyên ĐánTết Ta hoặc ngắn gọn hơn là Tết là một dịp lễ lớn của các nước Đông Á. Nhiều tài liệu cho rằng, Tết Âm lịch ở nước ta được du nhập từ Trung Quốc, bắt đầu từ thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Theo đó, nguồn gốc của Tết được bắt đầu từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế – tức khoảng từ năm 2852 đến năm 2205 TCN. Dù vậy, vẫn còn nhiều tài liệu thuyết phục còn được giữ lại, ghi rằng: “Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 TCN, trị vì 2622 năm… và từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết”.

Tranh vẽ một gia đình sum họp dịp Tết Nguyên Đán

Vào dịp Tết, người Việt có rất nhiều phong tục, truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, tiêu biểu là lễ “Cúng ông Công ông Táo” trong ngày 23 Tháng Chạp, gói bánh chưng, lau dọn nhà cửa, cúng tất niên,… Cả gia đình sẽ cùng nhau tụ tập trò chuyện, nói về một năm đã qua và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Trong những ngày đầu năm mới, người Việt có thói quen đi hái lộc, xông nhà để cầu may, mong rằng những điều tốt lành nhất sẽ đến với gia đình trong năm mới. Một trong những nét đẹp trong văn hóa của người Việt là đi chùa đầu năm để xin lộc, xin chữ, cầu chúc cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Ngoài ra, mỗi khi gặp người quen, người Việt cũng thường gửi gắm những lời chúc phúc, những lời chúc mong muốn nhau sẽ có được một năm mới với cuộc sống tốt đẹp hơn. Người lớn sẽ mừng tuổi cùng với lời chúc trẻ nhỏ sẽ chăm ngoan, học giỏi hơn.

Nét đẹp đi chùa cầu may của người Việt Nam vào ngày Tết

Một trong những “đặc điểm nhận dạng” của ngày Tết ta đó chính là món bánh chưng, bánh dày. Người ta quan niệm rằng, bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho đất, trời. Bởi, bánh chưng được gói với vuông vắn, góc cạnh, tựa như đất; còn với bánh giầy được gói tròn trịa, uyển chuyển, mềm mại như bầu trời. Bởi vậy, sự kết hợp của hai loại bánh như gắn kết đất trời lại với nhau. Cũng chính từ sự tròn trịa của bánh giầy và sự đầy đặn của bánh chưng đã thể hiện mong ước cho một cuộc sống ấm no, sung túc, đầy đủ, trọn vẹn.

Cả gia đình quây quần gói bánh chưng

Tết, không chỉ đơn thuần là việc mọi người tạm biệt năm cũ, đón chào năm mới, mà đó còn là ngày để mỗi người Việt sum họp, đoàn tụ với gia đình sau một năm học tập và làm việc không ngừng nghỉ. Tết cũng là dịp để các thành viên trong gia đình có cơ hội gắn kết, thấu hiểu, dành nhiều thời gian bên nhau hơn, giúp mỗi chúng ta gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, những công việc mình còn dang dở để cùng hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước.

Cùng đón chào một năm mới với nhiều điều may mắn 

Tết Nguyên Đán vì vậy chứa đựng đầy ý vẻ nhân văn, đẹp đẽ – trở thành một phần không thể thiếu của con người Việt Nam. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, xin kính chúc Quý Đối tác, Khách hàng, Cán bộ nhân viên QuantumGroup một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và an khang!

Nữ kỹ sư nông nghiệp người Việt nhận giải thưởng Nhà khoa học tiêu biểu xuất sắc toàn cầu

Nữ kỹ sư nông nghiệp người Việt nhận giải thưởng Nhà khoa học tiêu biểu xuất sắc toàn cầu

17/01/2025

Vừa qua, tại Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu 2024 được tổ chức tại Hilton Dubai, kỹ sư nông nghiệp Võ Thị Ngọc đã vinh dự nhận giải thưởng Nhà khoa học tiêu biểu xuất sắc toàn cầu 2024 với bộ giống lúa mới.

Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu 2024 có sự phối hợp tổ chức bởi nhiều cơ quan liên quốc gia trên toàn cầu bao gồm: Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Liên minh doanh nhân quốc tế, Trường Đại học quốc tế Hoa Kỳ, Trường Đại học Quận Cam (Hoa Kỳ), Viện Phát triển du lịch châu Á, Viện Khoa học Phát triển Nhân tài và Trí Tuệ Việt…

Đây là hoạt động thiết thực để doanh nghiệp quốc tế giới thiệu, trao đổi thông tin và tìm kiếm bạn hàng, xúc tiến thương mại, đầu tư hiệu quả; tìm hiểu chiến lược phát triển thị trường; giới thiệu, biểu dương và vinh danh các nhà trí thức, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, doanh nghiệp.

Kỹ sư Võ Thị Ngọc quê Cần Thơ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nông nghiệp. Bà tốt nghiệp Đại học Cần Thơ. Với đam mê nghiên cứu khoa học về giống cây trồng mới, trải qua chặng đường đầy gian khó, nhưng với quyết tâm và nỗ lực, sau 12 năm nghiên cứu và chọn lọc tự nhiên, năm 2019, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã cho ra đời bộ giống lúa MS2019 Master Ruma (MS2019 trắng sữa và MS2019 – tím than) đã  được Cục Trồng trọt cấp quyền bảo hộ giống năm 2023.

Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển du lịch sinh thái, Giám đốc Công ty TNHH Lương Thực MS2019 VN, Nhà khoa học Bộ giống MS2019 Master – Ruma, ThS. Kỹ sư nông nghiệp Võ Thị Ngọc là đại diện Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế “Nhà khoa học tiêu biểu xuất sắc toàn cầu”.

Theo đánh giá, bộ giống MS2019 là bộ giống đa màu sắc, có màu sắc rất đẹp, mùi thơm đặc trưng, cơm ráo, dẻo dai, hạt gạo vừa phải, đặc biệt là trong các loại gạo đều có hàm lượng Amylose thấp. Trong gạo có rất nhiều sắc tố khác nhau mang lại nhiều thành phần dinh dưỡng trong mỗi giống gạo đều chứa Anthocyamin, omega 3 – 6 – 9, vitamin nhóm B, canxi, magie, kẽm… Đặc biệt, giống thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt vẫn cho năng suất cao.

Ngoài ra, các giống cam xoàn ruột đỏ không hạt CS20, giống mướp hương thơm không hạt MSH 2020, sâm nữ Hoàng Hồng sâm VN, giống lúa MS Hồng Ngọc 2021 của bà cũng được Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng – Cục Trồng trọt chấp thuận đơn bảo hộ năm 2020-2021 đã và đang khảo nghiệm để hoàn tất thủ tục bảo hộ…

Kỹ sư Võ Thị Ngọc đã góp phần phong phú thêm trong ngân hàng giống cây trồng nước nhà. Bà chia sẻ, năm 2024 và 2025, giống lúa MS vàng ngọc và xanh ngọc cũng sẽ đưa vào đăng ký giống lúa mới.

Nữ kỹ sư nông nghiệp người Việt nhận giải thưởng Nhà khoa học tiêu biểu xuất sắc toàn cầu -0
Kỹ sư nông nghiệp Võ Thị Ngọc làm việc cùng Chủ tịch Hiệp hội Varime Nguyễn Ngọc Quang và Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu, ông Nguyễn Nam Thắng.

Thời gian qua, sản phẩm của bà đã đạt được nhiều chứng nhận và bằng khen như: Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2021 và 2023; Giải ba Festival lúa gạo ĐBSCL năm 2020, 2023; Năm 2023, đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện xây dựng tổ chức chức Liên kết chuỗi giá trị nông sản góp phần chung sức xây dựng nên nông nghiệp hiện đại nông dân giàu có, nông thôn văn minh 2023; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2023…Với những thành tựu khoa học và thành tích xuất sắc đã đạt được, kỹ sư Võ Thị Ngọc là “đôi tay vàng” của gạo màu Việt Nam.

Thời gian tới, kỹ sư Võ Thị Ngọc sẽ có sự hợp tác với Ngân hàng Nam Sudan. Cũng nhân dịp này, bà sẽ gửi tặng tới người dân Nam Sudan 10 tấn gạo và 10 tấn giống lúa mới với mong muốn gửi gắm tình cảm của mình nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung tới đất nước Nam Sudan, góp phần giảm khó khăn về lương thực tại đây.

Bà cũng ấp ủ truyền lại những kiến thức trong ngành trồng lúa, mở những khoá đào tạo ngắn hạn cho người nông dân Nam Sudan trở thành những kỹ sư nông nghiệp thực hành tại chính mảnh đất của mình, mang những hạt giống nghĩa tình gieo trên mảnh đất khu vực châu Phi đầy hứa hẹn.
————————————————
Phòng Truyền thông QuantumGroup.
Tổng hợp từ nguồn internet

Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia

Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia

17/01/2025

An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, đặc biệt là đối với những quốc gia đông dân như Việt Nam. Do vậy, bảo đảm an ninh lương thực luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay. Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.     


Sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức tương đối cao

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, Việt Nam xác định đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Ngay từ khi bắt đầu tiến hành đổi mới, Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hợp lý và nỗ lực không ngừng trong công cuộc xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân. Nhờ đó, số người bị đói đã giảm dần, từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) giai đoạn 2010-2012.

Đặc biệt, từ năm 2009, khi Đề án ”An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” được triển khai, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân. Nhiều kết quả đạt được vượt mục tiêu đề ra, như: diện tích đất lúa cả nước đạt trên 4,1 triệu ha (mục tiêu là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt trên 43,4 triệu tấn (mục tiêu là 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt trên 6,3 triệu tấn (mục tiêu 4 triệu tấn).

Trong giai đoạn 2009-2019, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt khá cao (2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới… Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản lượng rau quả tăng 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực với sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức tương đối cao 525 kg/năm (đứng thứ 6 trên thế giới) mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác.

Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.

Có thể thấy, sau 10 năm triển khai Đề án, cả nước không còn hộ thiếu đói, thiếu lương thực, đảm bảo cân đối lương thực. Sản xuất tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng; đã tạo ra khối lượng lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng cho nhu cầu nhân dân; nhu cầu xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu đối phó với những biến động của thiên tai, dịch bệnh, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng “được mùa – mất giá”, giải cứu nông sản. Bên cạnh đó, thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là “nút thắt” lớn nhất cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế. Đáng nói, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay bảo đảm an ninh lương thực vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta. Đặc biệt là khi sản xuất nông nghiệp đang tiếp tục chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ.

Dự báo, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ 21. Còn nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm 1oC, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 10%, ngô giảm 5 đến 20%, nhu cầu nước tưới tăng thêm 10%. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng lương thực và đe dọa an ninh lương thực nhóm người nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, trên toàn cầu, nhu cầu lương thực cũng tăng lên do dân số tăng, tăng thu nhập bình quân đầu người và thay đổi chế độ ăn uống. Công bố của Liên hợp quốc nêu rõ, dân số sẽ tăng từ 7,5 tỷ người hiện nay lên khoảng 10 tỷ người vào năm 2050. Theo đó, sản xuất nông nghiệp cần tăng thêm 70% so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu về lương thực của con người vào thời điểm đó.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp: nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao…; bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu; bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; nâng mức tiêu thụ lương thực; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới năm tuổi thể thấp còi xuống dưới 19% và thể nhẹ cân xuống dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới năm tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2030, về sản xuất lương thực, thực phẩm, giữ ổn định khoảng 3,3-3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho con người, chế biến, làm thóc giống, dự trữ và xuất khẩu. Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3-2,5 triệu tấn, trứng gia cầm 22-23 tỷ quả; sản lượng thủy sản 9-10 triệu tấn.

Để triển khai được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các giải pháp, như: Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, an toàn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc; quản lý hiệu quả sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, quan tâm nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, đồng thời, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, phát triển công nghiệp chế biến sâu cũng là một trong những giải pháp cần được quan tâm nhằm tăng sản phẩm được chế biến. Đồng thời, hình thành các cụm công nghiệp dịch vụ, công nghiệp phụ trợ cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn…

An ninh lương thực là an ninh quốc gia (Trung Quốc)

An ninh lương thực là an ninh quốc gia (Trung Quốc)

17/01/2025

Trung Quốc có câu thành ngữ “dân dĩ thực vi thiên” (dân lấy lương thực làm trọng). Câu nói này phản ánh tầm quan trọng của lương thực ở Trung Quốc. Trong hàng nghìn năm, an ninh lương thực vẫn luôn là mối ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc. Điều này được cụ thể bằng một loạt chính sách và đạo luật.

Trong lịch sử Trung Quốc, an ninh lương thực là mối lo thường trực. Quốc gia mà do cả quy mô dân số lẫn lãnh thổ, từng bị ám ảnh bởi những nạn đói lớn với số người chết nhiều khi tương đương dân số cả một quốc gia nhỏ.

Kể từ khi thực hiện cải cách của ông Đặng Tiểu Bình, sản xuất lương thực trong nước ở Trung Quốc đã tăng nhanh sau tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Năm 2021, Trung Quốc xếp hạng 34 trong 113 quốc gia trên Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu – đo lường bằng các tiêu chí khả năng chi trả của người tiêu dùng, tính sẵn có, chất lượng và an toàn của thực phẩm, cũng như tài nguyên thiên nhiên và khả năng thích ứng phục hồi. Trung Quốc là 1 trong 5 nước tiến bộ nhất trên bảng xếp hạng này xét trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ thực phẩm ở Trung Quốc cũng đang tăng nhanh do lượng thực phẩm thiết yếu được tiêu thụ nhiều hơn so với trước đây, chế độ ăn thay đổi, thất thoát và lãng phí lương thực gia tăng cũng như mất đất nông nghiệp do đô thị hóa. Những thách thức do những yếu tố này đưa ra đã khiến ngành sản xuất thực phẩm của Trung Quốc không thể duy trì lối sống và thói quen tiêu dùng hiện tại.

Tình trạng phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khi diện tích đất canh tác tiếp tục thu hẹp. Cuối năm 2019, tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc là 1,28 triệu km2 (chiếm 13% tổng diện tích quốc gia), giảm gần 6% so với 10 năm trước, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm khi đô thị hóa chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thời tiết cực đoan, suy thoái môi trường, khan hiếm và ô nhiễm nước… làm vấn đề thêm trầm trọng. Hai thập niên qua, lượng mưa tăng cao bất thường làm giảm 8% năng suất lúa. Các nhà nghiên cứu dự báo vào cuối thế kỷ này, lượng mưa bất thường có thể làm giảm sản lượng lúa thêm 7,6%, chưa kể các tác động khác do biến đổi khí hậu.

Trong đại dịch Covid-19, tình trạng gián đoạn nguồn cung và thiếu thực phẩm cục bộ do phong tỏa đã xảy ra, một lần nữa nhắc nhở về an ninh lương thực còn mong manh ở nước này. Các biến động chính trị trên toàn cầu cũng buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải tính toán lại, khi các nguồn thực phẩm nhập khẩu có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Một ví dụ điển hình là chiến tranh Ukraine đã tác động mạnh lên nhiều nguồn nông sản nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là ngô. Là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, Trung Quốc phải nhập 28,35 triệu tấn ngô vào năm 2021, tăng 152% so với năm 2020 và chiếm 9,4% lượng ngô tiêu thụ trong nước. Hầu hết lượng ngô nhập khẩu là từ Mỹ, Ukraine và Brazil, trong đó ngô từ Ukraine chiếm 1/3 tổng lượng nhập khẩu.

Mối quan hệ với an ninh quốc gia

Đối với quốc gia đông dân nhất thế giới, an ninh lương thực của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia, quan trọng không kém an ninh năng lượng và an ninh tài chính.

Tầm quan trọng của an ninh lương thực đã được nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc công khai ghi nhận. Điều 22 Luật An ninh quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2015 yêu cầu nhà nước thực hiện các biện pháp toàn diện để bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng lương thực.

Vào tháng 4.2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa tuyên bố rằng “an ninh lương thực là nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia”. Tầm quan trọng của an ninh lương thực đã được nhấn mạnh hơn nữa bởi tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện, người đã nhấn mạnh thêm hai thành phần chính của an ninh lương thực: hạt giống là “chip máy tính của nông nghiệp” và đất canh tác là “huyết mạch của sản xuất lương thực”.

An ninh ngũ cốc lần đầu tiên được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Chính phủ Trung Quốc. Theo kế hoạch đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội, Trung Quốc phải đạt được sản lượng ngũ cốc hàng năm trên 650 triệu tấn mỗi năm. Kế hoạch này cũng bao gồm các sắp xếp cụ thể để thực hiện chiến lược an ninh lương thực, bao gồm cải thiện toàn bộ ngành công nghiệp ngũ cốc và phát triển các khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, mối lo ngại về an ninh lương thực của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố.

Việc bảo vệ an ninh lương thực ngày càng được coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược “lưu thông kép” mới của Bắc Kinh. Chiến lược này tìm kiếm khả năng tự lực cao hơn để giảm bớt những bất ổn bên ngoài. Tháng 11.2021, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cơ quan ra quyết định đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới (2021 – 2025), trong đó đề cập đến an ninh lương thực.

Sau khi triển khai ngày càng nhiều chính sách, biện pháp pháp lý và hướng dẫn nhằm vào an ninh lương thực, những điểm trọng tâm chính trong chính sách an ninh lương thực của Trung Quốc có thể được tóm tắt thành ba khía cạnh chính bao gồm: tăng cường và đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm; giảm nhu cầu và tiêu dùng trong nước; sử dụng cơ chế pháp lý để tạo môi trường hỗ trợ.
——————-
Phòng Truyền thông Quantumgroup
Tổng hợp nguồn: Internet

Kỹ sư Võ Thị Ngọc: Bàn tay vàng của làng gạo màu Việt Nam

Kỹ sư Võ Thị Ngọc: Bàn tay vàng của làng gạo màu Việt Nam

17/01/2025

Với tâm huyết và tài năng, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao thế hệ, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống về nông nghiệp ở Cần Thơ, từ nhỏ Chị Ngọc đã sớm theo cha ra đồng làm ruộng sau giờ học ở trường. Cùng với những đam mê về cây lúa nước, chị hiểu rõ cuộc sống vất vả của người nông dân. Thời ấy thập niên 90 việc học hành vô cùng khó khăn và thiếu thốn, hàng ngày chị phải lội bộ 24 km đường từ nhà đến trường, ước mơ của chị mong muốn sao cho người dân quê mình được phát triển hơn, để đời sống của người trồng lúa được nâng cao, đó chính là động lực nung nấu trong lòng của người con gái miền Tây thời ấy. Chị biết, khi chị chọn hướng đi là nghiên cứu khoa học về các giống lúa, đây là một chặng đường dài đầy gian khổ nhưng chị vẫn kiên cường, giờ đây với cái tuổi 52 chị mới thành công lai tạo được nhiều giống mới.


Kỹ sư Võ Thị Ngọc: Bàn tay vàng của làng gạo màu Việt Nam

Trong những năm tháng học tập tại Đại học Cần Thơ, chị đã được thầy Võ Tòng Xuân – người được mệnh danh là “Phù thủy cây lúa”, truyền cảm hứng và hướng dẫn. Từ đó, tình yêu với cây lúa, với đất đai càng được khắc sâu trong lòng chị. Chị luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, không ngừng tìm kiếm tri thức và sáng tạo trong nghiên cứu để mang lại giá trị cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2019, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã cho ra đời giống lúa MS2019 trắng sữa, hợp tác cùng hợp tác xã Nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận tại Vĩnh Long. Đây là thành quả từ nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, không chỉ mang lại năng suất cao mà còn giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Không dừng lại ở đó, giống lúa tím than MS2019 RMTT của chị cũng được đánh giá cao, cả hai giống lúa này đều thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đem lại năng suất tương đương các giống lúa truyền thống nhưng chất lượng vượt trội đồng thời đã được đăng ký bảo hộ giống mới vào năm 2023.

Năm 2023 chị được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tăng bằng khen tập thể và cá nhân. Huân chương vì sự nghiệp nông nghiệp nông thôn Việt Nam.

Tháng 3 năm 2024 chị đã được giải nhà khoa học xuất sắc toàn cầu về bộ giống mới tại Dubai.

Năm 2024 đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

2 bằng khen cá nhân và tập thể do Tổng hội nông nghiệp Việt Nam 2024.

Với những thành tựu khoa học như trên, chị luôn luôn không ngừng nghiên cứu nâng cao giá trị khoa học của người con miền Tây, tháng 8 năm 2024 chị chính thức đăng ký vào Cục trồng trọt giống lúa mới Vàng Ngọc. Giống lúa có chứa nhiều hàm lượng beta-carotene, mới được chuyển đổi trong cơ thể con người thành một loại vitamin tối cần thiết. Việc tăng cường hàm lượng beta-carotene trong giống lúa đã giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, nơi mà tình trạng thiếu hụt Vitamin A vẫn còn phổ biến. Đây là thành tựu lớn không chỉ về mặt dinh dưỡng mà còn thể hiện sự sáng tạo và đam mê của chị đối với việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn thế giới.

Theo lời kêu gọi của Thủ Tướng Phạm Minh Chính trong diễn đàn ASEAN tại Lào năm 2024 về chuyển đổi số xanh, đoàn kết doanh nghiệp để phát huy tinh thần tự chủ, tự cường thì đất nước mới phát triển mạnh về kính tế, chị đã nhanh chóng triển khai 100 ha lúa – tôm hữu cơ tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, và 100 ha vụ đông xuân 2024 tại Thanh Trì, Sóc Trăng với mô hình khí thái carbon. Đối với những mô hình nuôi trồng mang tính khoa học tiến bộ có tính hữu ích cao, chị sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nông dân thực hiện mà không phân biệt vùng miền.

Ngoài việc nghiên cứu, nữ kỹ sư còn là một người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, chị là thành viên sáng lập Tập đoàn Quantum Bank để kịp thời hỗ trợ vốn cho bà con nông dân cả nước trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân thực hiện từ chuyển đổi số xanh sang đến sản xuất xanh, nâng cao năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chị mong muốn mỗi nông dân đều có thể trở thành một thương nhân, không chỉ sản xuất mà còn chủ động trong việc tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, kỹ sư Võ Thị Ngọc còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong cơn bão số 3 vừa qua, chị đã quyên góp 20 tấn gạo cho người dân tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
Với tâm huyết và tài năng, kỹ sư Võ Thị Ngọc đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao thế hệ, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác. Chị không chỉ là một nhà khoa học, mà còn là một người truyền cảm hứng cho những ai đang khát khao đổi mới nông nghiệp Việt Nam, và là ánh sáng soi đường cho bao nhiêu thế hệ trẻ dám nghĩ và dám làm.
Nhân dịp 20/10 chúng tôi một lần nữa xin trân trọng trước tấm lòng của người con gái miền Tây, niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam trong thời kì hội nhập. Chị rất xứng đáng là bàn tay vàng của hạt gạo màu Việt Nam, là bông hồng vàng của thể kỉ 21 và nhà khoa học giống xuất sắc toàn cầu.

Nguồn: https://www.htv.com.vn/ky-su-vo-thi-ngoc-ban-tay-vang-cua-lang-gao-mau-viet-nam